1. Phong Thủy Căn Bản
Phong thủy là chương trình mang tính cốt lõi của Phong thủy Lưu Gia. Bao gồm bốn cấp độ, với năm lớp: Căn bản, Nhập môn, Trung cấp 1, Trung cấp 2 và Cao cấp. Mỗi một cấp độ đều đề cập một nội dung khác nhau, sự vận dụng sẽ đi dần từ ứng dụng đơn giản đến phức tạp và thống nhất với nhau về mặt phương pháp luận.
Nội dung của lớp Phong Thủy căn bản là phần nền của lớp phong thủy của các cấp độ sau này và cũng như các môn học khác trong chương trình học của phong thủy Lưu Gia. Chương trình Phong Thủy sơ cấp gồm các nội dung chính về lý luận và thực tiễn sau:
Nội dung thứ nhất sẽ tổng quan về phong thủy học, đối tượng nghiên cứu, tính logic và khoa học của phong thủy.Phương pháp luận về Khí trong Bát quái tiên thiên. Nhằm giúp người học có cái nhìn biện chứng, chính xác về bản chất “ Tiên thiên vi thể” của Bát quái. Hiểu được bản chất của Khí trong Tiên thiên mới hiểu được khái niệm và dụng ý của người xưa về tứ cát: “ Phục vị, Thiên y, Sinh khí, Diên niên”; tứ hung: “ Lục sát, Ngũ quỷ, Tuyệt mệnh, Họa hại”. Trên cơ sở đó mới hiểu được cách ứng dụng của bài “ Đại du niên ca” đối với Mệnh chủ và Trạch chủ như thế nào.
Các khái niệm về Tượng, Lý, Số cung cấp cho ta cái nhìn trực quan về phương pháp luận về Hình trong Bát quái hậu thiên, nhằm hiểu rõ hơn bản chất “ Hậu thiên vi dụng” của Bát quái. Hiểu được bản chất của Tượng trong Tiên thiên, mới hiểu được các khái niệm “Càn chỉ Thiên thuộc Kim” , “ Khôn chỉ Địa thuộc Thổ” và cách vận dụng chúng trong Hậu thiên ( nghĩa là trong cuộc sống hiện tại như thế nào). Biết được bản chất của Lý mới hiểu được quy luật phát triển của sự vật, mới trả lời được câu hỏi “ Vì sao như thế?” Nắm được ý nghĩa của Số mới phân biệt được Định số trong Tiên thiên và Biến số ở Hậu thiên, mới trả lời được “ kết quả như thế nào?”
Về mặt ứng dụng thực tiễn, chương trình phong thủy sơ cấp còn giới thiệu cho ta biết thế nào là một " cuộc đất " thỏa mãn điều kiện phong thủy; thế nào là một ngôi nhà phù hợp với yêu cầu phong thủy; Các yếu tố phù hợp và không phù hợp thể hiện bên ngoài và bên trong ngôi nhà ra sao; vận dụng lý luận vào thực tiễn như thế nào để có phương pháp khắc phục khoa học và hiệu quả.
Nội dung thứ hai của phần ứng dụng cũng là điểm nhấn quan trọng của chương trình là cách xác định mối quan hệ giữa Chủ và Môn. Mối quan hệ giữa Chủ và Môn phải đặt trong mối quan hệ tương quan giữa Khí trong Tiên thiên và Hình ở Hậu thiên. Có nghĩa là phải xác định một điểm nhấn quan trọng tương ứng với mỗi một hướng nhà sao cho thỏa mãn điều kiện “ Âm dương tương phối” hoặc “ Âm dương tương trợ”. Một căn nhà khi thỏa mãn điều kiện ấy thì âm dương hài hòa, chủ thứ phân biệt rõ ràng, gia đạo hưng vượng.
Nội dung thứ ba trong phần ứng dụng là cách xác định mạng phong thủy của cá nhân. Trên cơ sở xác định được mạng phong thủy của một cá nhân mới giải quyết những phần việc thuộc cá nhân ấy. Ví dụ dùng phương pháp bố tri bút Văn xương có tác dụng tích cực trong thi cử học hành; kích hoạt vị trí diên niên để tốt cho công việc và quan hệ công chúng.
Nội dung thứ tư là ứng dụng phi tinh để bố trí giường ngủ sao cho phù hợp với trường khí của ngôi nhà. Ứng dụng mạng phong thủy để sắp xếp vị trí của bếp sao cho phù hợp với gia chủ, bảo đảm các thành viên trong gia đình từ người trực tiếp nấu bếp đến cá nhân khác đều có sức khỏe tốt nhất.
Phong thủy là môn khoa học về địa lý môi trường. Ở đó, nó phản ánh mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau giữa môi trường tự nhiên và cá thể con người; kết quả của mối quan hệ đó nếu là tích cực, con người sẽ có cuộc sống may mắn, sức khỏe tốt, mọi việc hanh thông thuận lợi, thể hiện ở chữ CÁT, VƯỢNG; ngược lại nếu mối quan hệ giữa môi trường tự nhiên và cá thể là tiêu cực, cuộc sống của con người sẽ kém may mắn, mọi việc trắc trở trăm bề, thể hiện ở chữ HUNG, SUY.