Phong Thuy la gi - Phong Thủy là gì - PHONG THỦY LƯU GIA

KHÁI LUẬN VỀ PHONG THỦY

Phong thủy là gì? Quách Phác ( 276—324) một học giả thời Đông Tấn đã viết trong cuốn Táng Thư như sau: “ Táng giả, thừa sinh khí dã, khí thừa phong tắc tán, giới thủy tắc chỉ, cổ nhân tụ chi sử bất tán, hành chi sử hữu chỉ, cố vị chi phong thủy, phong thủy chi pháp, đắc thủy vi thượng, tàng phong thứ chi”.

Vậy, sinh khí là gì? Sinh khí tức khí chuyển hóa trong một đại nguyên. Sách Tứ khố Toàn Thư viết: “Khí tại thiên chu du lục hư, tại địa sinh phát vạn vật”. Thế giới vật chất hình thành nên từ trạng thái hỗn độn của khí, trạng thái hỗn độn đó gọi là trạng thái Vô cực. Người xưa cho rằng Vô cực sinh Thái cực. Thái cực tức là điểm Thái cực, nơi Dương và Âm phân hóa hình thành nên Lưỡng Nghi. Trong bát quái tiên thiên, hai quẻ Càn Khôn gọi là Thiên địa định vị, sáu quẻ còn lại gọi là lục hư. “Hư” có nghĩa là khí, cũng chỉ sáu lần chuyển hóa để hình thành khí của các quẻ tượng của âm và dương trong không gian ( hư không). Ấy là “Khí tại thiên chu du lục hư” vậy.

Sách Táng Thư viết: “ Ngũ khí hành hô địa trung, phát nhi sinh hô vạn vật”. Ngũ khí, tức khí của ngũ hành. Khí của ngũ hành thay đổi thông qua sự chuyển hóa của Thiên vận, thể hiện ra bên ngoài bằng hình thái của muôn ngàn sự vật khác nhau trên mặt đất. Tức trong sự vận hành của vũ trụ ở mỗi thời gian khác nhau sẽ có những biểu hiện cụ thể đối với một không gian tương ứng. Người xưa nhờ có sự quan sát và nhận thức tinh tế về vũ trụ, đã kiến tạo cho mình một không gian sống phù hợp với quy luật của thời gian và không gian ấy. Đó là kết quả của việc “nhân pháp địa”, tức con người học và làm theo những gì thể hiện trên mặt đất, ví dụ khi mặt trời mọc con người thức dậy, mặt trời lặn người ta nghỉ ngơi v.v.  những thể hiện đó mang tính quy luật. Vạn vật sinh ra, tồn tại và mất đi đều bị chi phối bởi quy luật của tự nhiên, như sách Đạo Đức Kinh đã đúc kết: “ nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên”. Nghĩa là con người thay đổi theo những đổi thay thể hiện trên bề mặt đất, những thay đổi đó bị chi phối bởi sự vận hành của vũ trụ, sự thay đổi của vũ trụ tuân theo một quỹ đạo và qui luật bất biến, đó chính là quy luật của tự nhiên.

Không gian – thời gian, âm – dương, phong – thủy đều chỉ hai mặt đối lập – thống nhất của những cặp khái niệm chỉ một sự vật, hiện tượng. Tùy theo sở chỉ của chúng mà có những cặp khái niệm tương ứng. Trong sự thống nhất – đối lập này, yếu tố khí đóng vai trò hết sức quan trọng. Người xưa nói “ Khí hữu chất nhi vô chất”, tức khí có mặt khắp nơi trong không gian nhưng không chiếm lấy không gian. Khi thời gian và không gian thống nhất với nhau, biểu hiện của khí là Vượng, con người sống trong môi trường đó sẽ cảm thấy dễ chịu, thoải mái, công việc hanh thông thuận lợi, sức khỏe tốt, gia đạo thuận hòa, kết quả sự thống nhất giữa ba yếu tố không gian – thời gian – con người là Cát. Ngược lại là Suy, là Hung. Một công trình xây dựng muốn vượng khí phải thỏa mãn yêu cầu tụ khí.

Quan điểm của Quách Phác “ Khí thừa phong tắc tán, giới thủy tắc chỉ” chuyển tải ba thông điệp chính: Thứ nhất đó là mô tả bản chất, và sự tồn tại của khí. Khi ở trong một môi trường quá thoáng, dòng khí di chuyển quá nhanh sẽ khiến cho khí không tụ lại. Khí tụ phải thỏa mãn yêu cầu “Tiên Hậu thiên tương thông”, khi thỏa mãn điều kiện này dòng khí trong một ngôi nhà hoặc một công trình kiến trúc mới có thể di chuyển theo hình chữ Z được. Khi tốc độ di chuyển của khí lớn hơn nhịp mạch đập thì con người cảm thấy lạnh, nhỏ hơn nhịp mạch đập thì cảm thấy nóng bức, bằng với nhịp mạch đập thì sẽ thấy dễ chịu, đó là sự cảm nhận của con người chúng ta về sự di chuyển của khí.   Thứ hai chỉ ra phương pháp để đạt đến cảnh giới “ tàng phong tụ khí” của Khí. Sự di chuyển của khí sẽ tạo nên những điểm động và tĩnh, sự giao thoa giữa động và tĩnh khí mới đạt đến sự cân bằng hài hòa, tức khí không bị tán. Thứ ba nêu bật tác dụng và vai trò của Thủy. Tác dụng của Thủy chỉ gói gọn trong tám chữ: “ Thủy khứ Phong lai, Thủy lai Phong chỉ”.

Phong thủy là một tập hợp các yếu tố đối lập và thống nhất với nhau. Các khái niệm Phong – Thủy, Âm – Dương, Tĩnh – Động, Linh thần – Chính thần, Cát – Hung, Thống nhất – Đối lập là những cặp khái niệm mang tính định danh để thể hiện các trạng thái, tính chất, đặc tính của không gian và thời gian. Khi đạt đến sự cân bằng, hài hòa, không gian thời gian thống nhất với nhau, môi trường và không gian sống phù hợp phong thủy, nó ảnh hưởng tích cực đến đời sống sinh hoạt của con người sống trong môi trường ấy. Ngược lại nếu không thuận phong thủy, nó sẽ có ảnh hưởng tiêu cực.